SVF
Đăng ký
Danh mục

CÙNG TÌM HIỂU NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU CÁC DOANH NGHIỆP THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM TẠO ĐÀN SẾU KHỞI NGHIỆP ĐẤT SEN HỒNG - NĂM 2021 (PHẦN 1)

Tại Đồng Tháp, tinh thần khởi nghiệp đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở những năm gần đây, người ta thường hay nói về những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp. Chính vì thế, Chương trình Ươm tạo Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen Hồng được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh tiếp cận tối đa nguồn lực hỗ trợ tại địa phương, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp đi trước và tăng cường năng lực tư duy, tầm nhìn của các chủ doanh nghiệp. Hiện Chương trình đã bước vào giai đoạn huấn luyện, đào tạo, thực hành cùng những chuyên đề.
 
☘️ 15 Doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình tại Đồng Tháp đều thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, các sản phẩm của từng Doanh nghiệp lại đến từ nhiều đặc sản, nông sản khác nhau trên “Đất Sen Hồng”, có thể kể đến các sản phẩm từ sen (hạt sen tươi, rượu sen, trà tim sen..), xoài tươi, cà na, đậu phộng, cây ăn trái, v.v...
 
Mỗi câu chuyện đều đến từ mong muốn dùng chính những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh cống hiến và phát triển cho chính mảnh đất của mình từ các chủ doanh nghiệp tham gia chương trình, từ đó truyền thật nhiều cảm hứng đến với các cá nhân khác, đặc biệt là nhiều bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp từ nông sản.
Xin mời quý Anh Chị vào từng hình trong album bên dưới để đọc những câu chuyện truyền cảm hứng từ các Doanh nghiệp/ Dự án tham gia Chương trình
 
1. Công ty TNHH Thực Phẩm Avani
 
 
 
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, trong nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã có những đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu cũng như sự tăng trưởng của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn đang chủ yếu sản xuất thô và thủ công sản phẩm. Vì vậy giá trị của nông sản Việt vẫn chưa được đánh giá đúng và khai thác triệt để.
 
Thấu hiểu những khó khăn này, những nhà làm nông đã luôn tìm tòi và tìm ra những hướng đi mới, sáng tạo những sản phẩm được chế biến từ nông sản địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp. Anh Nguyễn Lê Đăng Khoa - nhà sáng lập cơ sở sản xuất thực phẩm AVANI cũng đã khởi nghiệp và lấy mục đích nâng tầm nông sản địa phương làm kim chỉ nam.
 
Cơ sở sản xuất của AVANI được đặt tại Đồng Tháp, nơi sản sinh ra nhiều loại rau củ miền nhiệt đới tươi ngon, giúp nguyên liệu của AVANI FOODS có chất lượng cao và số lượng ổn định. AVANI định vị bản thân là một thương hiệu sản xuất và chế biến bột hữu cơ chuẩn thiên nhiên và dễ tiếp cận với mức giá hợp lý và mẫu mã đa dạng hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường. Sản phẩm bột hữu cơ của AVANI có thể dùng để chế biến các loại bánh hoặc làm nước uống, bột pha sẵn, bột ngũ cốc,... Với sự đa dạng và tính riêng biệt của sản phẩm, anh Khoa kỳ vọng có thể tiếp cận được với việc mở bán sản phẩm ở đa kênh, mở rộng thêm tệp khách hàng và trong năm 2022 lợi nhuận sẽ có thể tăng trưởng đạt mức 30% - 35% so với thời điểm hiện tại.
 
Trong suốt quá trình phát triển, AVANI luôn quan tâm và gắn kết với các trang trại rau quả của các hộ nông dân, thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân về cơ sở vật chất và kỹ thuật, công nghệ trồng rau quả. AVANI cũng có những hoạt động hỗ trợ nông dân về tài chính, hay chính sách về thu mua nông sản đảm bảo quyền lợi của người nông dân, với những cam kết về số lượng thu mua ổn định và mức giá thu mua cạnh tranh. Với những chương trình hỗ trợ như vậy, một số hộ nông dân đã đồng hành cùng AVANI FOODS trong nhiều năm, và nhiều hộ gia đình đã gắn kết với doanh nghiệp từ thế hệ này đến thế hệ khác.
 
2. Đậu phộng rang vị ngon
 
 
 
Được thành lập vào 10/2020, Đậu phộng rang vị ngon Thiên Lam là cơ sở sản xuất chế biến, mua bán các loại hạt (chủ yếu là đậu phộng). Các mặt hàng của công ty rất đa dạng như đậu phộng vị gừng, bạc hà, socola, muối sấy Ngọc Yến,... Thiên Lam luôn hướng các sản phẩm của mình đến tiêu chí sản phẩm tốt cho sức khỏe chứ không chỉ theo hướng ăn vặt như định nghĩa truyền thông nữa.
 
Chị Nông Kiều Diễm - chủ cơ sở sản xuất đậu phộng Thiên Lam cho biết: “Động lực để tôi bắt đầu hoạt động kinh doanh hiện tại của mình là muốn giúp đỡ các nông dân ở địa phương về mặt kinh tế, đặc biệt là tạo đầu ra cho người dân trồng đậu phộng”, nguồn nguyên liệu của công ty chủ yếu là do tự trồng (3ha) và thu mua từ nông dân các nguồn đậu phộng tươi. Do đó người trồng đậu phộng không còn những nỗi lo về việc phải bán đậu cho nhà buôn với giá thấp nữa, đồng thời cũng có nguồn cầu ổn định hơn.
 
Sản phẩm được sản xuất theo mô hình tinh gọn, sản xuất hết 100kg thì nhập thêm nguyên liệu rồi mới sản xuất tiếp, vậy nên nguyên liệu để làm sản phẩm luôn đảm bảo được tiêu chí tươi và hoàn toàn hữu cơ được các y khoa nghiên cứu tốt cho sức khỏe, tim mạch, hạn chế tiểu đường trong khi những sản phẩm khác trên thị trường thì nhiều dầu mỡ và gia vị, không tốt cho sức khỏe. Thứ hai, công nghệ trong y dược được áp dụng cho công nghệ sản xuất. Thiên Lam sử dụng máy đặc trưng của y tế để vừa tạo vị và sấy đậu phộng một cách an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khoẻ và chất lượng. Về nhân sự, chuyên ngành của các nhà sáng lập đều là y dược sĩ, đồng thời cũng có các nhân sự nhiều năm kinh nghiệm về khởi nghiệp (đang là giảng viên đào tạo khởi nghiệp) và vừa là cố vấn đồng hành mảng kinh doanh. Về ngoại lực, công ty được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh (Khuyến Công) của Tỉnh Đồng Tháp, với tỷ lệ hỗ trợ máy móc thiết bị lên đến 50%. Với những sự khác biệt và tiềm lực này, chị Diễm hy vọng sẽ hoàn thành mục tiêu cần đạt được từ giờ đến cuối năm nay là hoàn thiện OCOP, kết nối thêm với các địa điểm bán sản phẩm OCOP để được hỗ trợ đầu ra, quảng cáo, và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ những nhà phân phối và nhà đầu tư.
 
 
 
3. Nuôi ốc bưu đen CNC kết hợp Solar
 
 
Việc nuôi ốc đã không còn là một điều xa lạ đối với người dân miền Tây khi nguồn ốc tự nhiên gần như đã cạn kiệt. Hiện nay, trong số các loại ốc, nuôi ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu đen được coi là một mô hình khá triển vọng trong việc mang lại giá trị kinh tế cao và được nhiều hộ dân chọn lựa. Tuy nhiên, việc nuôi ốc bươu theo cách tự nhiên thường có hai vấn đề chính: Thứ nhất, ốc bươu bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khí hậu. Thứ hai là để mở rộng quy mô trang trại tự nhiên cần đến một quy mô ao vườn rất lớn. Nắm bắt được những vấn đề đó, anh Nguyễn Ngọc Khánh đã hướng đến phát triển mô hình trang trại nuôi ốc bươu lớn nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao và năng lượng mặt trời.
So với cách nuôi ốc bươu đen tự nhiên, nghĩa là mua ốc giống về và thả vào ao, mô hình của anh Khánh tạo ra nhiều lợi thế vượt trội. Cụ thể, khi nuôi theo cách tự nhiên, mật độ ốc trong ao chỉ ở khoảng 100 con/m2. Với mô hình ứng dụng công nghệ máy nuôi trồng thủy sản và máy khử lọc nước, mật độ ốc có thể lên tới 600 con/m2. Song song với đó, những công nghệ này còn giúp kiểm soát được chất lượng và kích cỡ của ốc.
Chia sẻ về kỳ vọng vào mô hình trong vòng 3 năm, anh Khánh mong muốn có thể cung cấp dịch vụ xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao từ A đến Z một cách rộng rãi cho những nông dân Đồng Tháp, giải quyết vấn đề sử dụng ao vườn để nuôi tràn lan cho bà con, từ đó gián tiếp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như đưa những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đến tay người tiêu dùng. Trong một tầm nhìn xa hơn, anh Khánh sẽ hướng tới mở rộng số loại thủy sản, không chỉ là ốc bươu đen mà sản phẩm sẽ mang tính chất vựa thủy sản Đồng Tháp, bao gồm: lươn, cá chạch lấu, cá lóc,..
Với yếu tố công nghệ mang tính đổi mới sáng tạo ấn tượng, đạt hiệu quả cao sau quá trình thử nghiệm, song song với sự đồng hành, hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có thể nói rằng mô hình của anh Khánh đã mang đến những kỳ vọng mới cho bà con nông dân trong việc nuôi ốc bươu đen, cũng như nuôi trồng thủy sản nói chung ở Đồng Tháp.
 
4. Công ty TNHH Oriana Cosmetic
 
 
Công Ty Oriana Cosmetic đưa ra thị trường với 4 sản phẩm: kem dưỡng da, sữa rửa mặt, serum và nước tẩy trang. Sản phẩm ứng dụng công nghệ chưng cất tinh dầu và công nghệ nano vào sản xuất mỹ phẩm. Orina hướng tới sản xuất sản phẩm dùng nguồn nguyên liệu và tinh dầu từ thiên nhiên tốt cho người dùng, khác với các sản phẩm trên thị trường.
 
Doanh nghiệp chỉ vừa mới thành lập nhưng đang trong giai đoạn cải thiện sản phẩm, với đội ngũ hiện nay được quản lý do chị Trâm phụ trách cùng với 1 thạc sĩ Sydney về công nghệ nano, chuyên gia hỗ trợ cho các công ty khác và hơn hết là sự góp mặt của chuyên gia cơ khí Hàn Quốc, nơi gắn liền với tín đồ mỹ phẩm được ưa chuộng. Bén duyên với doanh nghiệp khi được làm đại diện cho công ty dược được gặp và học hỏi với co-founder, một chuyên gia công nghệ nano). Với sự hiểu biết của chuyên gia, cty được học hỏi, trau dồi và nghiên cứu trong vòng 2 năm và quyết định thành lập Công ty TNHH Oriana đem sản phẩm của mình tới thị trường. Cũng hơi tiếc rằng, vì đại dịch này nên không có sản phẩm sản xuất. Mặc dù từ khâu quy trình cho đến nguồn nguyên liệu đã chuẩn bị một cách tốt nhất nhưng vẫn chưa được bắt đầu. Sản phẩm có nguyên liệu rõ ràng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình hình thành. Sản phẩm tốt hơn hẳn những sản phẩm được được sản xuất theo lối truyền thống. Nổi bật ở sản phẩm của cty là việc hỗ trợ hỗ trợ giúp thẩm thấu có tác dụng nhanh hơn so với những sản phẩm thông thường, khuếch tán phân tử nhỏ hơn, giúp tiến trình rút ngắn hơn.
 
Chị Trâm và công ty tập trung hướng sản phẩm đến với những khách hàng là phụ nữ có độ tuổi trung bình khoảng 25 và am hiểu cũng như yêu thích sản phẩm thiên nhiên, phù hợp với mức thu nhập 10-20tr. Trong tương lai, chị Trâm muốn mở rộng phân phối ở 64 tỉnh thành trên cả nước và được khách hàng đón nhận, công nhận đây là một sản phẩm hỗ trợ chăm sóc da và sắc đẹp của người Việt, cho người Việt. Với những mục tiêu, định hướng này, công ty mong muốn đạt được kỳ vọng của mình trong tương lai mặc dù vẫn chưa có định hướng về doanh số.
 
Công ty tiếp tục sẽ cho sản xuất sản phẩm đầu tiên và mang ra thị trường với mục tiêu lấy được gói data và xem phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm. Sau đó, xem xét, cân nhắc và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để chuẩn bị cho sản phẩm hoàn thiện hơn trong năm sau nữa. Về nhân sự, triển khai được 20 CTV được đào tạo kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm bán hàng đồng thời hỗ trợ đào tạo về MKT viết bài cũng đang được hoàn thiện. Doanh số công ty đã được để ra với 500 đơn vị/sản phẩm với giá thành bán sỉ 350l/sp để lô đầu có thể đạt được xấp xỉ 700 triệu. Doanh nghiệp có nội lực về kỹ thuật (hóa sinh, cơ khí, công nghệ nano). Và ngoại lực sẽ được hỗ trợ ươm tạo đàn sếu khởi nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh nghiệm về đào tạo nhân sự, vận hành tiếp tục là kế hoạch kinh doanh và sale. MKT và chiến lược phát triển vẫn còn yếu kém và cũng được hỗ trợ cải thiện. Đến với chương trình Cty mong muốn được kết nối để đủ nguồn lực sản xuất lô hàng đầu tiên. Đồng thời MKT và kế hoạch sales được được đào tạo để hoàn thành mục tiêu doanh số ban đầu đã đề ra.
5. Cơ sở sản xuất Huỳnh Mai
 
 
Từ mong muốn đưa sản phẩm bánh kẹo làm từ nguyên liệu truyền thống của tỉnh nhà ra thị trường, cô Trần Thị Huỳnh Mai, trú tại phường 1, TP. Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp đã quyết định khởi nghiệp, lập nên cơ sở sản xuất bánh kẹo Huỳnh Mai vào năm 2016 với danh mục các sản phẩm chính: kẹo đậu phộng làm từ củ khoai mì, bánh khoai môn hạt sen, bánh kẹp ống đặc biệt và bánh kẹp ống lá dứa đặc biệt.
Trong những sản phẩm kể trên, có những sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện và có những sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Tuy nhiên một trong những điểm chung của chúng chính là nguyên liệu bột bánh được lấy từ làng bột Sa Đéc nổi tiếng 100 tuổi, những sản phẩm có thành phần sen thì có hoa sen xuất xứ từ làng sen Đồng Tháp.
So với các sản phẩm bánh kẹo tương tự hiện có trên thị trường, đặc biệt là các loại kẹo đậu phộng, sản phẩm của cơ sở Huỳnh Mai được làm ít ngọt hơn và một số nguyên liệu có xuất xứ đặc biệt. Hiện nay, sản phẩm của xưởng cô Mai không chỉ có mặt tại các trạm dừng chân, quán ăn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn lan rộng đến miền miền Đông Nam bộ, miền Trung. Đặc biệt, sản phẩm kẹo Huỳnh Mai cũng đã được bày bán tại một số siêu thị như GIGA MALL Thủ Đức, siêu thị Tứ Sơn ở Châu Đốc An Giang.
Không chỉ đặc biệt ở sản phẩm, cơ sở sản xuất bánh kẹo này còn đáng chú ý ở câu chuyện khởi nghiệp của cô Mai - chủ cơ sở. Quyết định lập xưởng ở độ tuổi khá lớn, cô vẫn luôn tìm tòi để đổi mới về hình thức, đa dạng chủng loại cho sản phẩm nhằm cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, có thể nói rằng cơ sở đã đi vào vận hành ổn định và cô Mai vẫn sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển cơ sở Huỳnh Mai thêm nữa trong tương lai, về cả quy mô sản xuất và đa dạng chủng loại cũng như chất lượng sản phẩm.
 
6. Cơ sở trà Phương Anh
 
 
Tết Nguyên đán năm 2017 và 2018, giá quýt hồng gần như rớt thấp kỷ lục, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò như “ngồi trên chảo lửa” vì không tìm được đầu ra. Cũng như nhiều nhà vườn khác, thời điểm đó, gia đình chị Kim Phương có đến 3 ha quýt hồng đang cho trái với sản lượng hàng chục tấn, rất chật vật khi phải suy nghĩ giải pháp tiêu thụ hết sản lượng quýt trong giai đoạn đó. Trong thời điểm khó khăn ấy, chị Phương đã suy nghĩ về các cách thức chế biến để mọi người có thể sử dụng quýt hồng theo một cách khác ngoài ăn tươi. Với tất cả kiến thức nấu nướng và niềm đam mê với trái quýt hồng, chị đã cho ra sản phẩm chế biến đầu tiên với tên gọi “nước cốt quýt hồng cô đặc”.
Sau nhiều lần thất bại rồi tự điều chỉnh, cuối tháng 8/2018, sản phẩm nước cốt quýt hồng của chị Kim Phương chính thức đưa ra thị trường. Các địa điểm tham quan vườn quýt hồng là những kênh phân phối đầu tiên được chị Phương nhắm đến. “Chọn những điểm tham quan vườn quýt là những kênh tiếp thị đầu tiên là vì tôi muốn du khách xa gần biết nhiều hơn nữa đến quê hương, xứ sở của mình. Tôi muốn giới thiệu với du khách biết ngoài sản vật quýt hồng trái thì nhà vườn chúng tôi còn có cả nước cốt quýt hồng và nhiều đặc sản khác nữa” - chị Kim Phương từng chia sẻ với báo Đồng Tháp.
Để có được sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc quả thật không phải là câu chuyện dễ dàng với một người phụ nữ quanh năm chỉ biết ruộng vườn như chị Phương. Chị Kim Phương đã không còn nhớ nổi mình đã phải suýt bỏ cuộc bao nhiêu lần khi sản phẩm thất bại. Tuy nhiên, nhờ sự động viên từ gia đình và có được sự đồng hành của những người cộng sự tâm huyết, hiện tại ngoài sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc, chị Kim Phương còn nghiên cứu và cho ra đời thêm nhiều dòng sản phẩm mới khác được chế biến từ trái quýt hồng như: tinh dầu quýt, trà quýt, rượu quýt, chế phẩm sinh học từ quýt hồng... Dù là sản phẩm khá mới, song nước cốt quýt hồng cô đặc và các dòng sản phẩm khác của chị Phương được sự đón nhận khá tích cực từ người tiêu dùng. Hiện sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc của chị Phương đã được chào bán tại nhiều khu du lịch trên địa bàn tỉnh và một số kênh bán hàng đặc sản một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, dự án của chị Phương đã hoàn vốn và có doanh thu với khoảng 30 nhân viên đang hoạt động. Tổng số sản phẩm bán ra thị trường đã lên tới 120 nghìn. Trong tương lai, chị Phương dự định sẽ phát triển nguồn sản phẩm tuần hoàn phục vụ nông nghiệp và hoàn thành chuỗi khép kín nông nghiệp xanh bền vững.
 
7. Công ty TNHH MTV Ba Tre
 
 
Chị Nguyễn Thuý Kiều được biết đến như một trong những nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công nhất của xứ sen - Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp đại học An Giang, chị Kiều quay về quê và lập gia đình. Vào năm 2016, khi đứng trước những sự lựa chọn và khó khăn trong tương lai của chính mình và con, chị Kiều đã quyết định sẽ khởi nghiệp bằng các sản phẩm chế biến từ sen.
 
Thời điểm bắt đầu, chị Kiều chỉ chủ yếu sản xuất sữa hạt sen với số lượng ít và đã phải đến khắp các cửa tiệm, quán nước để thuyết phục họ nhập sữa của chị để bán. Một thời gian sau đó, chị thay đổi “chiến lược” của mình thành ký gửi, các chủ quán bán bao nhiêu thì sẽ lời bấy nhiêu. Chị Kiều chấp nhận lỗ vốn trong thời gian đầu để tìm kiếm khách hàng và thị trường cho dòng sữa hạt của mình, dần dà các khách hàng cũng quen và thích vị sữa hạt sen, họ đặt ngày một nhiều và các cửa tiệm, quán nước lúc trước trở thành những “điểm bán" và đại lý của chị.
 
Từ năm 2016 đến nay, nhờ vào sự kiên trì của chị, những sản phẩm của Sen Ba Tre không chỉ được biết đến tại Đồng Tháp mà đã có mặt tại rất nhiều nơi tại thị trường trong nước như Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh,... Hiện tại, số lượng sữa hạt sen mà chị sản xuất tiêu thụ tiêu thụ mỗi ngày khoảng 1500 chai với doanh thu gần nhất đạt 1,5 tỷ đồng.
 
Chị Kiều cũng từng chia sẻ với báo Tuổi trẻ động lực để chị phát triển Sen Ba Tre không chỉ vì gia đình mà còn là vì thương bà con trồng sen vất vả nhưng thu nhập lại bấp bênh, chị hy vọng với việc trở thành một trong những nguồn tiêu thụ ổn định và lâu dài của mình có thể giúp bà con đỡ vất vả hơn cũng như đưa sản phẩm của cây sen ra thị trường lớn và tăng giá trị của bông hoa miền quê mình.
 
Gặt hái được “quả ngọt" nhưng chị vẫn không hề ngủ quên trên chiến thắng, chị tiếp tục mày mò và tìm hiểu về các sản phẩm khác từ sen như: trà lá sen, trà tim sen, hồng sen dược tửu, cơm cháy hạt sen... và mở rộng phân phối ra thị trường, chị còn tạo một trang mua hàng trực tuyến để các khách hàng ở xa có thể dễ dàng tìm hiểu và đặt mua sản phẩm từ Sen Ba Tre. Chị cũng cho biết thêm, kế hoạch của chị trong năm 2021 là ổn định thị trường trong nước và trong năm 2022 - 2026 sẽ tập trung lên kế hoạch và đưa các sản phẩm của Sen Ba tre ra thị trường nước ngoài với mong muốn đem hương vị quê hương ra ngoài thế giới.
 
--------------------------------------
Về Chương trình Ươm tạo Đàn Sếu Khởi Nghiệp Đất Sen Hồng - Năm 2021
Chương trình Ươm tạo Đàn Sếu Khởi Nghiệp Đất Sen Hồng - Năm 2021 là chương trình ươm tạo hỗ trợ các Dự án/ Doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp dịch chuyển tư duy và tầm nhìn, mở rộng quy mô kinh doanh, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm, tăng cường khả năng huy động vốn cũng như tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp. Chương trình dự kiến diễn ra trong 12 tuần, được tổ chức bởi Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Đồng Tháp (DT.BSSC) phối hợp cùng Quỹ Khởi nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức.
 
TÌM HIỂU THÊM CÂU CHUYỆN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHÁC TẠI:
Share Đăng Ký Tham Dự
Quay về